Cảm nhận sách:Quân Vương ( The Prince)
Có rất nhiều những tác phẩm kinh điển trong lịch sử rất hay được mang ra trích dẫn trong các cuốn sách được viết thời nay. Các tác phẩm kể như "Tài sản quốc gia" của Adam Smith (thế kỷ 17); "Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ" của Keynes (thế kỷ 19), "Cộng Hòa" của Triết gia Plato (thế kỷ thứ 4),….
Khi đọc tới những "trích dẫn", độc giả luôn muốn được xem chính xác bản gốc của tài liệu; cũng giống như khi ta nghe lại bản nhạc cover, một bộ phim được làm lại ta luôn muốn xem ca khúc hay bộ phim nguyên bản như thế nào.
Chính vì vậy các tác phẩm kinh điển trường tồn theo thời gian hiện đã có thể tìm thấy trên giá sách của các nhà sách tại Việt Nam phục vụ cho các độc giả muốn tìm đọc nguyên bản.
Quân Vương "The Prince" của Niccolo Machiavelli (thế kỷ 14) là một trong số đó. Nếu như ai quan tâm đọc tới các chủ đề về chính trị chắc sẽ không thể không biết ông.
Trong "đối thoại với Lý Quang Diệu" có đoạn Tom Plate phỏng vấn Lý Quang Diệu dựa trên cuốn sách này. Nó tạo cho tôi sự tò mò phải đọc cuốn Quân vương để hiểu hơn.
"Quân Vương" được Machiavelli viết ra như một cuốn cẩm nang dành cho các vị vua. Hoàn cảnh viết là vào thế kỷ 14 ở châu âu nơi các vùng đất được cai quản bởi các vị vua với vai trò chăn dắt dân chúng.
Phần 1 mô tả các hình thái quốc gia, cách thức cai trị các quốc gia khi đã xâm chiếm được nó,..Phần 2 thú vị hơn mô tả về các đức tính mà một vị vua nên có để cai trị quốc gia.
1. Nên làm cho dân yêu hay làm cho dân sợ?
Yêu và sợ là hai cảm giác không thể tồn tại song song, vì vậy một vị vua phải chọn một trong hai. Vậy một nhà lãnh đạo hay một vị vua nên chọn vế nào?
Nếu chọn cho dân yêu thì anh ta sẽ phải làm nhiều thứ để thỏa mãn cả giới quý tộc, binh lính và dân chúng. Khi làm cho dân yêu anh ta sẽ hạ mình khiến cho người dân có thể coi thường nhà vua và cũng rất khó khăn để làm cho tất cả mọi người yêu mến vì có những nhu cầu xung đột nhau.
Yêu cũng là cảm xúc không bền vững vì chỉ cần nhà vua làm trái ý một chút thôi cũng có thể chuyển sang trạng thái ghét. Và vì vậy người dân sẽ có xu thế vô kỷ luật, nhờn, nhà vua khó tồn tại được lâu.
Chính vì vậy Machiavelli cho rằng nên chọn cho dân sợ. Khi dân sợ, người dân sẽ có tính kỷ luật. Nỗi sợ xuất phát có thể từ sự tàn bạo của nhà vua, tuy nhiên ảnh hưởng của sự tàn bạo chỉ có vài người nhưng kết quả lại tốt cho người khác. Điều này giống như việc ban hành luật chặt tay nếu ăn trộm, chỉ có vài người sẽ bị chặt tay nhưng nó sẽ khiến cho xã hội kỷ luật hơn, nhiều người được hưởng lợi. Người dân sẽ sợ mà không vi phạm pháp luật nữa.
Tuy nhiên nhà vua không được làm cho người dân căm ghét. Chừng nào nhà vua còn không đụng tới tài sản, vợ con của người dân thì người dân sẽ không căm ghét anh ta. Chúng ta chú là thời thế kỷ 14, vua có toàn quyền trong quốc gia, không ai được phán xét nhà vua vì vậy vua có thể xâm phạm các quyền sở hữu của người dân nếu muốn.
Nhà vua cũng không được quá tàn bạo vì anh ta có thể gây thù với nhiều người một cách không cần thiết.
Nếu nhà vua có thể chuyển trạng thái từ "yêu" lên thành "kính trọng" thì điều đó là rất tốt nhưng vì phải là người xuất chúng mới có thể khiến cho người dân kính trọng nên tốt nhất thì vẫn nên là làm cho dân sợ.
Lý Quang Diệu cũng chọn vế hai khi Tom Plate hỏi ông về vấn đề này.
2. Nhà vua nên là Sư tử (mạnh mẽ) hay là như Cáo (mưu mẹo)?
Nhà vua nên là cả hai. Anh ta phải mạnh mẽ như sư tử để bảo vệ đất nước và để dân chúng kính trọng. Bề ngoài anh ta phải có những đức tính tốt còn hành động anh ta có thể không tốt với một số người nhưng là tốt cho dân chúng (giống cáo).
Machiavelli cho rằng nhà vua nên có những đức tính sau:
– Nhà vua hãy keo kiệt với tiền của mình và hào phóng với tiền của người khác:
Thông thường khi mới lên nắm quyền thì nhà vua phải tỏ ra hào phóng để củng cố vị trí. Sau đó anh ta phải keo kiệt vì điều đó sẽ tiết kiệm tài sản quốc gia, người dân sẽ không phải đóng thêm thuế.
Khi đi chiếm đóng các vùng đất khác anh ta phải hào phóng với của cải chiếm được vì điều đó sẽ khích lệ tướng sỹ.
– Nhà vua không cần thiết phải giữ chữ tín
Trên tổng thể nhà vua có thể thực hiện mọi hành động miễn là anh ta thấy có lợi cho dân chúng. Anh ta có thể hứa sau đó nuốt lời đặc biệt là với kẻ thù. Người dân sẽ nhanh chóng quên điều này.

3. Ám sát và lật đồ
Trong lịch sử số nhà vua bị ám sát và lật đổ cũng nhiều chẳng kém các vị vua chết vì già. Chính vì vậy vị vua nào cũng sợ hai điều này.
Machiaville cho rằng một cá nhân hay một nhóm khi thực hiện hành vi ám sát hay lật đổ sẽ xem tới các yếu tố sau:
– Người ta sẽ đánh giá sao kết quả đó? Nếu như vua nước đó được nhân dân kính trọng thì anh ta sẽ phải rất cân nhắc vì hành động của anh ta sẽ khiến cho cả nước căm ghét. Vì vậy nếu một nhà vua bị người dân khinh ghét thì đó là tiền đề tốt cho việc ám sát.
– Kẻ định ám sát có đồng minh không? Để ám sát anh ta phải tạo cho mình các đồng minh. Đồng minh của anh ta nếu không phải người rất thân với anh ta thì phải là người rất căm ghét nhà vua vì vậy nhà vua càng hạn chế số người căm ghét càng tốt. Nếu như đồng minh không đủ đông để hành động hay để đối phó với sự phẫn nộ của dân chúng thì anh ta sẽ không làm.
Ngoài ra như đã đề cập ở trên nhà vua nên làm cho dân sợ thay vì yêu vì bản chất con người là sẵn sàng làm hại người mà người ta yêu hơn là làm hại người mà người ta sợ.
4. Quý tộc, Binh lính và người dân; nên làm ai yêu?
Một quốc gia ở thời bình nên hạn chế tối đa lực lượng quân thường trú. Quân đội khi có sức mạnh, mà suốt ngày chỉ có ngồi không thì rất nguy hiểm. Nhưng nếu như nhà vua vẫn phải giữ quân thường trú đông đảo thì anh ta phải làm cho quân đội yêu mến. Thông thường quân đội được yêu mến sẽ có những hành động vô kỷ luật với dân chúng và khiến dân chúng ghét. Nhưng trong trường hợp này nhà vua có thể để cho dân chúng ghét vì dân chúng không có vũ khí trong tay.
Lực lượng Quý tộc là giới nhà giàu thường cũng dạng ăn không ngồi rồi và vì vậy thường gây rắc rối. Nhà vua về ngắn hạn có thể tạo ra mâu thuẫn giữa các dòng họ để các dòng họ dành thời gian đối phó nhau thay vì hành động ảnh hưởng tới nhà vua. Về dài hạn thì nhà vua hạn chế quyền lực của giới quý tộc và dành được sự kính trọng từ người dân.
Dân chúng là một tập hợp những con người có những nguồn gốc, đức tính và nhu cầu khác nhau. Cai quản một quốc gia rất phức tạp và vì vậy không dành cho các vị vua yếu mềm, không có chính kiến, không thể thực thi các quyết định của mình.
Dân chúng cũng có đặc tính là ai bị đụng quyền lợi thì to mồm còn lại thì im thin thít vì vậy nhà vua phải rất cân nhắc kiểm tra kỹ các luồng dự luận. Anh ta không nên thay đổi ngay quyết định của mình vốn đã cân nhắc từ lâu chỉ vì có ý kiến phản đối của một nhóm người.
Chúng ta đang yêu, sợ hay căm ghét nhà vua?
Không bàn tới chuyện chính trị của đất nước, chỉ cần nhìn trong môi trường một công ty. Chúng ta có thể thấy như sau:
Văn hóa công ty là phản ánh văn hóa của người đứng đầu, ở đây cứ tạm lấy là Giám đốc điều hành. Một giám đốc thường sẽ có các phong cách lãnh đạo chủ đạo sau:
Phong cách mong muốn người dưới quyền yêu nhờ vậy họ sẽ cố gắng hơn trong công việc mà không cần phải giám sát nhiều. Ở phong cách này giám đốc thường sẽ quan tâm tới cuộc sống của nhân viên cấp dưới, quan tâm tới cái họ nghĩ và thường tỏ ra kiên nhẫn lắng nghe.
Phong cách quân phiệt muốn những người dưới quyền sợ, vì sợ nên họ phải làm. Giám đốc sẽ thể hiện một bộ mặt lạnh như tiền, ít giao tiếp với cấp dưới về các vấn đề ngoài công việc, ban hành những kỷ luật hà khắc cho những người làm không đúng những gì anh ta muốn.
Người giám đốc thường không theo một hướng nào một cách cực đoan nhưng sẽ có một hướng chủ đạo mà anh ta theo đuổi. Ở đây không có phong cách nào đúng hay sai, chỉ là phù hợp hay không mà thôi.
Như Machiavelli có phân tích là làm cho người ta sợ dễ hơn là làm cho người ta yêu. Để làm cho người ta yêu giám đốc thường sẽ phải bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu từng người dưới quyền và tìm cách thỏa mãn họ nhưng để làm người ta sợ thì anh ta chỉ cần ban hành các quy định hà khắc và tỏ ra thật lạnh lùng. Nhưng thực tế ta thấy là không phải công ty nào giám đốc cũng áp dụng phong cách làm cho người ta sợ và thường nếu có thì họ phải đẩy lên thành làm người ta tôn trọng (bằng truyền thông và sự kỳ bí).