Giải pháp hiệu quả tăng Traffic cho website
Traffic Exchange Site

HIỆU ỨNG RẮN HỔ MANG (COBRA EFFECT)

By
HIỆU ỨNG RẮN HỔ MANG (COBRA EFFECT)

Chúng ta cùng tìm hiểu thuật ngữ "Hiệu ứng Rắn Hổ Mang" do nhà kinh tế học Horst Siebert đặt ra dựa trên sự kiện có thật sau:

1. Khi những người Anh cai trị Ấn Độ, những viên chức ở Delhi quan ngại về sự sinh trưởng mạnh mẽ của rắn hổ mang trong thành phố. Để kiểm soát vấn đề, chính quyền đã đề nghị treo thưởng cho mỗi bộ da rắn. Chương trình này đã tỏ ra hoạt động rất hiệu quả.

Trong một thời gian ngắn sau đó, rắn hổ mang dù muốn hay không bị giết rất nhiều và chính phủ hoàn toàn hài lòng về chương trình treo thưởng của mình. Tuy nhiên, một số tay buôn Ấn Độ nghe thấy cơ hội kiếm tiền từ chương trình và bắt đầu quay sang chủ động nuôi rắn hổ mang rồi giết để lấy da.

Khi chính phủ thu được quá nhiều bộ da rắn và họ phát hiện ra trò lừa đảo thì chương trình treo thưởng bị huỷ bỏ. Câu truyện vẫn chưa kết thúc ở đây.

Lúc này một số lượng lớn người nuôi rắn hổ mang ở Delhi bị bế tắc do đột ngột mất đầu ra dẫn tới "lượng hàng tồn kho lớn". Họ thả xổng bầy rắn và một lần nữa Delhi lại chìm trong thảm hoạ rắn độc, lần này còn tệ hại hơn lần trước.

2. Điều tương tự cũng diễn ra suốt thời kỳ Pháp xâm chiếm Việt Nam. Chuột gây ra dịch bệnh ở Hà Nội. Chính quyền đề nghị treo thưởng cho mỗi đuôi con chuột bị giết. Kết quả: Người dân bắt đầu nuôi chuột để lấy đuôi. Khi chương trình bị huỷ, hàng đàn chuột lại bị thả ra, thoát ngược trở lại thành phố.

3. Fort Benning, Georgia cũng phải trải qua vấn đề tương tự với heo rừng. Quân đội đã treo thưởng 40 USD cho mỗi đuôi heo giao nộp. Mọi người bắt đầu mua đuôi heo từ những người bán thịt hoặc lò giết mổ với "giá buôn" và "bán lại" đuôi cho quân đội với giá cao để hưởng tiền chênh lệch.

4. Ngân hàng WellsFargo đặt ra mục tiêu doanh số không tưởng và đồng thời gây áp lực nặng nề lên nhân viên. Kết quả: hàng loạt tài khoản không xác thực được mở bởi nhân viên nhằm đạt mục tiêu doanh số và giữ việc làm.

5. Đa phần, phàm là người sống ở gần các đền chùa, chúng ta đều có thể bắt gặp những người bán chim, cá phóng sinh. Về cơ bản, phóng sinh là điều tốt. Thế nhưng, đến giờ, ai ai cũng biết rằng, những chú chim, chú cá được thả về với biển trời tự do khoảng 30 phút sau sẽ bị thộp cổ vào lại lao tù để được bán cho người khác. Thậm chí, có chú còn không lết nổi, nằm chờ bị bắt lại. Trước khi chuyện phóng sinh phổ biến, chim cá sống vô tư; thế nhưng, khi nhu cầu làm việc thiện gia tăng, thì đời chim muông khổ sở. Rõ ràng, hành vi phóng sinh cốt để trả tự do cho muông thú, nay lại vô tình khuyến khích những thợ săn thành phố hành động ngày càng ráo riết hơn.

6. Ở nhiều nơi trên thế giới, tiêu biểu là Bogota hay Mexico City, tình trạng ô nhiễm không khí và tắc đường do xe cộ lưu thông quá nhiều đã gây rất nhiều phiền toái cho người dân ở nơi đây. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền ở các thành phố đã quyết định áp dụng biện pháp phân ngày chẵn lẻ cho xe, cụ thể: Tại Bogota từ năm 1998, nếu biển số một chiếc xe là số chẵn, thì xe này sẽ không được phép lưu thông vào khung giờ nóng (6:00 – 8:30 và 15:00 – 19:30) các ngày lẻ trong tuần. Đối với các xe có biển số chẵn thì cũng tương tự vào ngày chẵn. Ngày cuối tuần (chủ nhật), các xe sẽ không bị cấm lưu thông. Tình hình ở Mexico City cũng tương tự (áp dụng từ năm 1989).

Với biện pháp này, các nhà hoạch định chính sách ở các thành phố lớn kể trên hi vọng rằng lưu lượng xe sẽ giảm, góp phần giải quyết vụ kẹt xe và ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, mọi việc chẳng hề được như mong đợi…

Sau 6 năm áp dụng việc phân chia giờ lưu thông ở Mexico City, một nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) đã công bố một nghiên cứu khá đau thương cho lãnh đạo thành phố này. Nghiên cứu của nhóm chỉ ra rằng, để đối phó với tình trạng hạn chế lưu thông, nhiều gia đình ở Mexico City đã… chi thêm tiền mua thêm một chiếc xe khác, nhằm thay phiên sử dụng xe tùy vào ngày chẵn ngày lẻ (ví dụ, nếu gia đình nọ đã có xe biển số lẻ, họ sẽ mua thêm một chiếc biển số chẵn). Điều này khiến cho số lượng xe sở hữu bởi người dân Mexico City gia tăng, và lưu lượng xe hàng ngày hoàn toàn không giảm bớt vào giờ cao điểm. Đau đớn hơn, vào những giờ thấp điểm hay cuối tuần, những chiếc xe mua dư sẽ được các gia đình tận dụng, khiến cho lưu lượng xe ở các thời điểm này tăng lên so với trước.

Không chỉ dừng lại ở việc tắc đường không hề thuyên giảm, tình hình ô nhiễm môi trường cũng không được cải thiện. Do lưu lượng xe trung bình tăng lên, khí thải xe cũng không ngần ngại gì mà không tăng. Đáng buồn hơn nữa, do phải chi tiền để mua đến 2 chiếc xe, các gia đình ở Mexico City có xu hướng mua lại những chiếc xe cũ thay vì xe đời mới. Vì thường thì xe cũ hao xăng và ô nhiễm hơn xe mới, nên tình trạng ô nhiễm tại thành phố này lại càng có xu hướng xấu đi.

Thế là, thay vì giảm được mật độ xe và ô nhiễm không khí, thì chính quyền Mexico City đã vô tình khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây thêm khó chịu, ồn ã và bụi bặm…

Hiệu ứng rắn hổ mang đối nghịch với hiệu ứng lựa chọn bất lợi. Trong lựa chọn bất lợi, người mua hàng trong một giao dịch sở hữu nhiều thông tin hơn người bán và sử dụng kiến thức đó để giành lợi thế.

Ví dụ, một người có chiếc xe đã qua thời hạn bảo hành nhưng lại muốn sửa chữa xe miễn phí sẽ mua thêm bảo hành trước khi mang xe tới xưởng. Trong hiệu ứng rắn hổ mang, đó là người bán với kiến thức nhiều hơn người mua và sẽ tận dụng nó để kiềm lời.

Tương tự, trong thị trường lao động, nếu giảm lương để đối phó với dư thừa lao động thì có thể cũng gặp vấn đề "lựa chọn bất lợi" nói trên. Người giỏi sẽ nghỉ, còn người dở sẽ ở lại, vô tình làm cho người thuê lao động tích lũy nhân lực tồi (lựa chọn bất lợi).

Quả thật, một trong những định luật mạnh mẽ nhất của thiên nhiên là định luật về hiệu ứng phụ (unintended consequences). Còn nhiều ví dụ nữa, nhưng có lẽ hôm nay thế là đủ rồi. Và để chốt lại vấn đề hôm nay, xin được chốt lại bằng ý kiến của nhà kinh tế học Steve Levitt về việc dùng những chính sách có tính chất khuyến khích này:

Tôi nghĩ bạn nên bắt đầu bằng việc chấp nhận rằng không cá nhân nào, hay chính phủ nào sẽ có thể thông minh hơn những người nghĩ cách lách luật của bạn. Vì vậy khi bạn đưa ra một chính sách khuyến khích, bạn sẽ phải chấp nhận là dù cho bạn có thông minh hay cẩn thận đến đâu, sẽ có ai đó nghĩ ra được cách lợi dụng chính sách đó cho lợi ích riêng của họ."

________
Nguồn: Tâm lý học tội phạm


Loading...